Q10 là một trong hai sản phẩm đánh dấu sự quay trở lại của BlackBerry trên thị trường sau hơn một năm im hơn lặng tiếng để thực hiện công tác chuẩn bị. Nếu như Z10 là thiết bị hoạt động hoàn toàn dựa vào màn hình cảm ứng theo xu thế của phần lớn smartphone ngày nay thì Q10 lại mang một chút cổ điển trong mình khi sở hữu bàn phím QWERTY vật lý. Nếu so với Z10 thì Q10 mang đậm chất BlackBerry trong mình hơn, một cái chất rất riêng nhờ có bàn phím thật. Nhưng liệu Q10 có thể thu hút được người dùng trong bối cảnh các đối thủ Andorid, iOS, Windows Phone đang nổi lên ngày càng mãnh liệt?
1. Thiết kế và ngoại hìnhNgay từ cái nhìn đầu tiên ai cũng có thể biết được rằng đây là một sản phẩm của BlackBerry nhờ thiết kế mang tính truyền thống của nó. Một thiết kế thuôn gọn, rất vừa tay, giống với những chiếc BlackBerry Bold nổi tiếng một thời. Máy được bo tròn bốn góc mềm mại nhưng khi kết hợp với bàn phím được duỗi thẳng cùng các đường kim loại, Q10 thật sự rất mạnh mẽ và mang phong cách BlackBerry không lẫn vào đâu được. Cũng thành phần này đã đem đến sự hiện đại cho thiết kế của Q10. Phần cạnh dưới của máy, ở phần giáp với nắp lưng cũng được bo tròn khiến việc cầm chiếc Q10 rất dễ dàng và không bị cấn tay. Và tất nhiên là thiết bị này có chất lượng hoàn thiện ở mức tốt, máy đem lại cảm giác chắc chắn khi sử dụng.
Mặt sau của Q10 được trang trí bằng các hoa văn dạng sợi carbon, gần giống hoa văn mà BlackBerry từng mang lên chiếc Bold 9900, tuy nhiên mặt lưng này không được phủ một lớp kính bóng bẩy như 9900 mà chỉ dùng nhựa sơn mờ. Mình thấy rằng nếu được phủ kính thì Q10 trông sẽ sang trọng hơn. Anh em lưu ý rằng hoa văn mặt lưng của bản màu đen thì dạng sợi carbon, còn hoa văn của chiếc Q10 màu trắng thì giống Z10, tức là có nhiều chấm nhỏ nhỏ.
Các cạnh bên của máy, như đã nói ở trên, được làm cong nhẹ ở phần giáp nắp lưng để nằm vừa vặn và êm ái trong lòng bàn tay của chúng ta. Những cạnh này không còn được trang bị một viền sơn màu kim loại như trên những chiếc BB trước đây mà nó tiệp màu với tổng thể của máy. Điều đó giúp tăng cảm giác nguyên khối cho Q10. Tuy nhiên cá nhân mình vẫn thích cách mà BlackBerry thiết ra Bold 9900 hơn, nhìn nó đẹp và sang trọng hơn so với Q10, còn Q10 nghiêng về kiểu cách hiện đại pha chút “bí ẩn”.
Ở cạnh trái chúng ta có cổng microUSB và microHDMI, cạnh phải là nơi đặt nút tăng giảm âm lượng và nút Voice Command. Cạnh trên của Q10 có nút mở khóa máy, jack tai nghe 3,5mm và micro phụ. Những nút này làm bằng kim loại và rất dễ nhấn. Trong khi đó, cạnh dưới của thiết bị được bố trí loa ngoài với chiều ngang khá lớn và lớp lưới được đục rất nhỏ, rất tinh tế, ngoài ra còn có micro thoại nữa. Mình chỉ chưa vừa ý với cách đặt cổng microUSB của BlackBerry vì khi vừa sạc vừa nghe điện thoại rất vướng, từ hồi BlackBerry Bold 9700 tới giờ vẫn thế. Hãng có thể cân nhắc mang nó xuống cạnh dưới máy giống như nhiều nhà sản xuất điện thoại khác vẫn hay làm.
2. Màn hình
Q10 được trang bị màn hình AMOLED 3,1″ độ phân giải 720 x 720, tức tỉ lệ 1:1 hay hình vuông. Thoạt nhìn thì mình thật sự thất kiểu màn hình này rất lạ, và quả thực có thể xem tỉ lệ 1:1 này là độc nhất vô nhị trong thế giới điện thoại ngày nay. Tuy nhiên sau khoảng vài phút làm quen thì ngay lập tức cảm giác cân đối sẽ trở lại, có lẽ là nhờ thiết kế hài hòa giữa màn hình, bàn phím và tổng thể mặt trước của máy.
Màn hình của Q10 hơi ngả sang màu vàng và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó khi xem các menu có nền trắng. Màu đen thì đảm bảo đen, đúng với tính chất của AMOLED. Tuy nhiên, màu sắc nhìn chung rực và đậm hơn so với bình thường khá nhiều, gần giống với hiện tượng có thể thấy trên Galaxy S II. Khi nhìn ở khoảng cách gần thì chữ và các đối tượng đồ họa trên màn hình của Q10 hơi rỗ một chút so với độ phân giải Retina của iPhone hay Full-HD của những máy Android cao cấp, tuy nhiên đó không phải là vấn đề gì to tát bởi chúng ta không phải lúc nào cũng dí sát mắt vào màn hình chỉ để xem… điểm ảnh. Góc nhìn cũng rất ổn, không có vấn đề gì cả. Có điều độ sáng tối đa của máy không cao.
Trên BlackBerry 10, chúng ta sẽ phải dựa khá nhiều vào các thao tác vuốt từ cạnh màn hình vào trong màn hình, nhất là việc vuốt từ dưới lên để trở về màn hình chính hoặc hiện giao diện chạy đa nhiệm. Vấn đề ở Q10 đó là phần không gian trống bên dưới màn hình quá ít nên lúc vuốt nhiều khả năng bạn sẽ bị vướng vào dãy phím QWERTY trên cùng, khá khó chịu, nhất là với những bạn mới lần đầu tiếp cận với chiếc điện thoại này. Với chiếc Q5 mình từng được thử cũng như trên Z10 thì phần cạnh này rộng hơn, thao tác vuốt thoải mái hơn. Ngoài ra, khi cần phải cuộn những trang nội dung dài như Facebook, website, mình cũng hay vô tình kích hoạt giao diện multitask trong những lần đầu dùng Q10, trong khi dùng Z10 thì không gặp tình trạng tương tự vì cạnh máy nằm tuốt phía dưới và không ai lại đi cuộn từ vị trí đó cả.
3. Bàn phím
Có lẽ đây là phần đáng được quan tâm nhất khi đánh giá một chiếc BlackBerry, và đặc biệt lại là một mẫu máy mang tính “sống còn” như là Q10. So với các dòng BlackBerry đời trước, bàn phím của Q10 đã duỗi thẵng ra, tất cả các phím đều nằm trên một đường ngang chứ không còn cong cong như trước. Có thể bạn nhìn vào sẽ nói rằng bàn phím ngang thế này thì làm thế nào mà gõ ngon được nhưng thật sự thì cảm giác không khác lúc gõ những chiếc BlackBerry cũ là mấy. Tốc độ gõ, độ chính xác vẫn y như vậy. Mình đặc biệt thích bốn dải kim loại ngăn cách từng hàng nút trên bàn phím QWERTY, nó giúp làm tổng thể chiếc Q10 trở nên nổi bật, không nhàm chán và sở hữu cái chất rất BlackBerry, nhất là khi bàn phím trải dài ra tận hai mép và của máy.Tương tự như những chiếc Bold trước đây, các phím của Q10 được đặt sát nhau, tuy nhiên phía trên mỗi phím lại có một phần gờ nhô lên giúp việc nhập liệu được nhanh chóng, hạn chế lỗi xảy ra do nhấn nhầm nút. Cảm giác nhấn quen thuộc và độ nảy vừa phải chắc chắn sẽ làm hài lòng bất kì tín đồ BlackBerry nào. Nếu cần phải thao tác nhiều với những công việc cần phải gõ văn bản, ví dụ như trả lời email, chat, facebook, chỉnh sửa nội dung văn bản, nhắn tin… thì bàn phím cứng sẽ mang lại cho bạn cảm giác rất khác biệt, một cảm giác “an toàn” và “chính xác” hơn so với việc gõ trên màn hình cảm ứng. Tất nhiên là chúng ta sẽ phải dùng lực nhiều hơn, nhưng dù sao thì sự phản hồi vật lý nảy lên, nhúng xuống của phím bao giờ cũng thích hơn là khả năng rung xúc giác của những máy full-touch.
Tuy nhiên, ngoài chuyện có giảm giác đã và thích thú ra, liệu bàn phím QWERTY vật lý có thể giúp Q10 cạnh tranh được với các đối thủ full-touch? Nếu bạn đang sử dụng một chiếc điện thoại cảm ứng có bàn phím tốt, ví dụ như bàn phím của BlackBerry Z10, của iPhone, thật sự mình nghĩ rằng bạn sẽ rất hài lòng dù cho có phải gõ phím ảo đi chăng nữa. Với những bạn nào đã quen dùng máy full-touch thì việc quay trở lại sử dụng bàn phím vật lý có thể là một cực hình bởi bạn phải nhấn mạnh hơn, và không phải ai cũng thích điều này. Hiệu suất của việc gõ bàn phím cứng thật sự không cao hơn mấy so với bàn phím ảo trong trường hợp bạn đã dùng quen cả hai. Ngoài ra, bàn phím ảo còn hỗ trợ khả năng chọn và đoán từ nhanh hơn, linh hoạt hơn khá nhiều so với QWERTY vật lý trên Q10, vốn chỉ hiện thị ba từ gợi ý tại một thời điểm.
4. CameraBlackBerry trang bị cho Q10 máy ảnh độ phân giải 8 megapixel, tương tự như nhiều smartphone cao cấp hiện nay trên thị trường và rõ ràng là cao hơn nhiều so với những chiếc BlackBerry đời trước. Và may mắn là hãng đã mang tính năng auto focus lên lại thiết bị của mình chứ không tự nhiên loại bỏ tính năng tự động lấy nét như hồi 9900. Ảnh cho ra sắc nét, màu sắc ổn trong điều kiện đủ sáng, hoàn toàn phù hợp với những anh em thích chụp và chia sẻ ảnh qua email, up lên Facebook. Và dù là chụp ngoài trời hay trong nhà thì khả năng cân bằng trắng của Q10 cũng khá chuẩn.
TimeShift, một tính năng nổi bật trên BlackBerry 10 cho phép bạn chọn khuôn mặt của từng người trong ảnh ở khoảnh khắc đẹp nhất, tương đối hữu ích, chỉ hơi tiếc rằng chúng ta chưa thể zoom toàn bức ảnh khi chỉnh TimeShift. Q10 được tích hợp tính năng chụp ảnh HDR, tuy nhiên kết quả giữa ảnh HDR và ảnh thường chưa thật khác biệt như kì vọng của mình.
5. Pin
Q10 được trang bị viên pin dung lượng 2100mAh, một mức dung lượng khá cao so với một chiếc máy dùng màn hình chỉ 3,1″ độ phân giải 720 x 720, chip hai nhân Snapdragon S4 Plus. Thời lượng dùng pin của Q10 ở mức tốt so với các smartphone mạnh mẽ hiện nay. Nó không “trâu bò” bằng những máy BB 9700, 9780 mà mình từng đắm chìm trong một thời gian dài nhưng cũng đủ cho gần một ngày sử dụng với khoảng 2 tiếng lướt web bằng 3G, push mail liên tục từ ba hộp thư Gmail, 30 phút chơi nhạc bằng loa ngoài với âm lượng 70%, lướt facebook và check mail khoảng 1 tiếng, gọi 5 cuộc gọi khoảng 3 phút/cuộc. Trong suốt thời gian đó, máy luôn bật Wi-Fi, NFC, độ sáng màn hình để tự động.
Với một viên pin, bạn hoàn toàn có thể an tâm rời khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và về nhà lúc 7 giờ tối mà máy vẫn còn khoảng 25-30% pin nếu sử dụng với cường độ như trên. BlackBerry có bán một phụ kiện sạc pin rời, cộng với việc Q10 có thể tháo nắp lưng để thay pin một cách nhanh chóng thì bạn sẽ không phải lo lắng trong những chuyến đi dài.
Tuy nhiên, thật sự mà nói thì mình vẫn mong thời lượng pin của Q10 dài hơn, khoảng 1 ngày rưỡi chẳng hạn, bởi vì với cùng cường độ xài như trên mà chiếc HTC One của mình cũng có thời gian dùng tương tự Q10 trong khi One dùng bộ xử lí mạnh hơn, màn hình to hơn, độ phân giải cao hơn.
6. Hiệu năng
Q10 sử dụng chip Qualcomm Snapdragon S4 Plus hai nhân xung nhịp 1,5GHz, RAM 2GB, thấp so với các máy bốn nhân, tám nhân trong thế giới Android, tuy nhiên trải nghiệm rất mượt mà và nhanh chóng (mình đã cập nhật chiếc Q10 chính hãng của mình lên phiên bản phần mềm mới nhất). Mình có ghi nhận được vài lần máy bị chậm và đứng lại trong lúc vuốt để chuyển sang màn hình Multitask hoặc khi khởi chạy app mới, cũng may là chuyện này không xảy ra thường xuyên. Trải nghiệm tổng quan là tốt. Nếu bạn đã sử dụng thuần thục các thao tác gesture cũng như phối hợp nhuần nhuyễn hệ thống phím tắt thì Q10 càng trở nên tuyệt vời hơn nữa. Những tính năng đặc trưng của BB10 như BlackBerry Hub, các thao tác cơ bản, Universal Search, BBM, Yahoo Messenger, bản đồ… thì chúng ta đã có một bài riêng, mời các bạn xem qua nếu thích.Mình nghĩ rằng nếu BlackBerry bỏ bớt, hoặc cung cấp tùy chọn để người dùng tắt bớt các hiệu ứng chuyển cảnh trên BlackBerry 10 thì tốc độ truy xuất app sẽ nhanh hơn. Ví dụ, khi bạn chạy một ứng dụng nào đó lên, hệ điều hành sẽ mở một cửa sổ của app đó trong giao diện Multitasking rồi mới hiện app ra cho chúng ta sử dụng. Bước đầu tiên đó có thể lược bỏ đi để tiết kiệm được khoảng nửa giây, chỉ cần hiệu ứng phóng to app ra đã đẹp lắm rồi. Ngoài ra, lúc gửi tin nhắn Facebook cũng có một độ trễ rõ rệt nhưng có lẽ là do phần mềm chứ không phải vấn đề phần cứng.
7. Kết luậnVì sao bạn muốn mua Q10? Đó là câu hỏi bạn cần phải đặt ra đầu tiên khi cân nhắc việc sắm chiếc điện thoại này. Nếu câu trả lời là vì bạn yêu bàn phím QWERTY vật lý thì xin chúc mừng, Q10 là một sản phẩm đáng mua nhất ở thời điểm hiện tại nếu bạn muốn có được trải nghiệm gõ gõ, nhấn nhấn tuyệt vời trên bàn phím vật lý. Còn nếu bạn muốn mua Q10 vì hiệu suất làm việc cao thì chiếc máy này có thể sẽ không đáp ứng được như kì vọng của bạn. Máy có màn hình nhỏ 3,1″ nên việc lướt web, xem các tập tin văn phòng, ngay cả khi chat, nhắn tin, email và chơi Facebook thì Q10 không thật sự thoải mái so với hàng tá những smartphone Android, iOS, Windows Phone có màn hình lớn, và tất nhiên là cũng không sướng như lúc xài Z10. Có thể bạn tranh luận rằng tôi đã quen với màn hình nhỏ của BB từ lâu rồi, nhưng nếu là một người quan tâm đến năng suất mà điện thoại mang lại thì bạn sẽ cần cân nhắc nhiều trước khi cầm tiền đi mua Q10.
Hệ điều hành BlackBerry 10 hiện còn khá mới mẻ, nhiều anh em sẽ chê là ít app quá, nhưng các ứng dụng cơ bản thì gần như đầy đủ và đáp ứng tốt nhu cầu thông thường của số đông người dùng. Nếu đã sử dụng thuần thục, BlackBerry 10 rất tốt, các thao tác gesture không những mang lại trải nghiệm mới lạ mà cũng cực kì hữu ích, có điều những anh em nào mới tiếp cận BB10 thì phải bỏ khoảng 2-3 ngày làm quen mới ngon.
Bình luận cho xôm tụ